• Trang chủ
  • |
  • Dich vụ
  • |
  • Điều trị ung thư gan bằng đốt sóng cao tần

Điều trị ung thư gan bằng đốt sóng cao tần


1. Khái niệm
– Ung thư biểu mô tế bào gan (Hepatocellular carcinoma – HCC) là bệnh lý ác tính phổ biến, đứng đầu ở Việt Nam theo thống kê của WHO. Bệnh có nguyên nhân chính là viêm gan virus B, C, và xơ gan do các nguyên nhân khác (rượu, gan nhiễm mỡ) …
– Điều trị HCC có nhiều phương pháp. Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm có thể được điều trị bằng các phương pháp triệt để như phẫu thuật cắt bỏ khối u gan, đốt u gan bằng sóng cao tần hoặc vi sóng. Ở giai đoạn muộn hơn bệnh nhân có thể được điều trị bằng các phương pháp như nút mạch hóa chất hoặc điều trị toàn thân…
– Đốt khối u gan bằng sóng cao tần (Radio frequency Ablation – RFA) đã được thực hiện từ rất lâu, từ những năm 1993. Cho đến nay phương pháp này đã được sử dụng ở nhiều trung tâm trên thế giới. Các hướng dẫn điều trị của các hiệp hội Tiêu hóa lớn trên thế giới như Hiệp hội nghiên cứu các bệnh lý gan mật Hoa Kỳ (AASLD) (2010), Hiệp hội nghiên cứu bệnh gan Châu Âu (EASL) (2012, 2018) đều khuyến cáo RFA là một phương pháp điều trị tại chỗ hiệu quả và an toàn.
– Nguyên lý của phương pháp đốt sóng cao tần (RFA) là dùng nhiệt của dòng điện xoay chiều để phá hủy khối u.
2. Chỉ định
– RFA được chỉ định khi bệnh nhân HCC có 1 khối u nhỏ hơn 5cm hoặc u ≤ 3 khối với kích thước mỗi khối ≤ 3cm, nhất là khi các trường hợp này không phù hợp để phẫu thuật cắt gan (do vị trí khối u hoặc tình trạng bệnh nhân). RFA cũng được coi là biện pháp thay thế cho phẫu thuật cắt gan trong trường hợp u có kích thước nhỏ ≤ 3cm, đặc biệt với các khối u nằm ở vị trí trung tâm.
3. Chống chỉ định
– Khối u có kích thước lớn > 5cm hoặc nhiều khối u (> 3 khối)
– U gan đã có huyết khối tĩnh mạch hoặc di căn xa
– Chức năng gan của bệnh nhân kém (xơ gan Childpugh C)
– Chống chỉ định tương đối: bệnh nhân có bệnh lý tim mạch hoặc hô hấp nặng nề
4. Ưu và nhược điểm, các tai biến có thể gặp của phương pháp điều trị ung thư gan bằng đốt sóng cao tần
– Ưu điểm:

+ Phương pháp xâm lấn tối thiểu, giảm thời gian nằm viện

+ Phương pháp này được thực hiện dưới sự hướng dẫn của siêu âm giúp kiểm soát khối u cục bộ một cách tối ưu.

+ Trong trường hợp chỉ có một khối u nhỏ ≤ 2cm, RFA là một lựa chọn ưu tiên do hiệu quả điều trị cao, chi phí điều trị thấp, ít ảnh hưởng đến chức năng gan, đặc biệt với khối u nằm ở sâu/ hoặc ở trung tâm.

– Nhược điểm:

+ Thể tích phá hủy nhỏ nên chỉ phù hợp với các khối u kích thước nhỏ

+ Không thực hiện được ở một số vị trí (gần túi mật, gần mạch máu lớn, gần đường mật chính, khối u nằm ở vị trí khó tiếp cận)

– Các tai biến và tác dụng phụ có thể gặp:
Tác dụng phụ hay gặp nhất là đau ở mức độ nhẹ đến trung bình, một số trường hợp có thể sốt.
Tỉ lệ tai biến nói chung thấp, dao động từ 2.2 – 10.6% và tỉ lệ tử vong rất thấp, từ 0.3-1.4%. Các tai biến có thể gặp: di căn theo đầu kim, áp xe gan, rối loạn chức năng gan, hẹp đường mật, tụ máu dưới bao gan, thủng tạng rỗng…
5. Quy trình điều trị ung thư gan bằng đốt sóng cao tần tại Trung tâm Tiêu hóa – gan mật, bệnh viện Bạch Mai
– Trung tâm Tiêu hóa – gan mật, bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện ca đốt sóng cao tần đầu tiên điều trị ung thư biểu mô tế bào gan vào năm 2001, là trung tâm đầu tiên của cả nước thực hiện quy trình này. Đến nay trung tâm đã thực hiện kĩ thuật này cho hàng nghìn bệnh nhân và vẫn tiếp tục cập nhật, cải tiến quy trình, kĩ thuật để hiệu quả điều trị ngày càng cao.
– Bệnh nhân sau khi được chẩn đoán xác định ung thư biểu mô tế bào gan sẽ được hội chẩn điều trị thông qua một Hội đồng chuyên môn gồm 5 chuyên khoa với các bác sĩ đầu ngành (Tiêu hóa gan mật, ngoại khoa, ung bướu, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh)
– Khi có chỉ định RFA, bệnh nhân được hẹn ngày nhập viện vào Trung tâm Tiêu hóa – gan mật, và được chính các bác sĩ có kinh nghiệm trong trung tâm thực hiện kĩ thuật này.
– Sau khi điều trị RFA bệnh nhân được tiếp tục tái khám và theo dõi. Song song với điều trị ung thư, bệnh nhân còn được điều trị bệnh gan nền như xơ gan, viêm gan virus B, C để nâng cao hiệu quả điều trị HCC.

Hình ảnh đốt sóng cao tần điều trị u gan ở Trung tâm tiêu hóa – gan mật, bệnh viện Bạch Mai, 2023.

Tài liệu tham khảo

1. Https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-dia-phuong/-/asset_publisher/gHbla8vOQDuS/content/can-benh-ung-thu-gay-tu-vong-nhieu-nhat-tai-viet-nam-77-so-ca-xay-ra-o-nam-gioi
2. Bộ y tế: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư biểu mô tế bào gan, 2020.
3. Peter R. Galle et al (2018), EASL Clinical Practice Guidelines: Management of hepatocellular carcinoma, Journal of Hepatology 2018 vol. 69 j 182–236
4. Bruix Jordi et al (2011). Management of Hepatocellular Carcinoma: An update. AASLD Practice Guidelines.
5. Rossi S et al (1993). Percutaneous ultrasound – guided radiofrequency electrocautery for the treatment of small hepatocellular carcinoma. J interv Radiol. 8. 97 – 103
6. B. I. Carr (2010). Hepatocellular Carcinoma, Current Clinical Oncology. 2nd ed. Humana Press. Ch16
7. Livraghi T et al (2003). Treatment of focal liver tumors with percutaneous radio – frequency ablations: complications encountered in a multicenter study. Radiology. 26. 441 – 451