• Trang chủ
  • |
  • Dich vụ
  • |
  • Nội soi can thiệp – Mở thông dạ dày

Nội soi can thiệp – Mở thông dạ dày


Mở thông dạ dày là phương pháp đặt một ống thông từ trong dạ dày qua thành bụng ra ngoài để nuôi dưỡng, có thể thực hiện dưới hướng dẫn của nội soi dạ dày hoặc bằng phương pháp khác như phẫu thuật và qua can thiệp dưới điện quang.
Nuôi dưỡng qua đường tiêu hóa có các ưu điểm vượt trội so với nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch: phù hợp với chức năng sinh lý hệ tiêu hóa, tránh nhiễm khuẩn đường ruột, ít nguy cơ biến chứng liên quan đến dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch, bao gồm huyết khối tĩnh mạch, tăng đường huyết và nhiễm trùng huyết, cũng như giá thành thấp.

1. Chỉ định

– Nuôi dưỡng qua đường tiêu hóa lâu dài ở bệnh nhân không còn khả năng nuốt do: ung thư thực quản, hầu, họng không có khả năng phẫu thuật, bệnh xơ cứng bì, bệnh Parkinson, bại não.

– Nuôi dưỡng tạm thời: hẹp thực quản do bỏng, viêm và sau phẫu thuật lớn ở bụng cần được nuôi dưỡng bổ sung, chấn thương nặng vùng sọ và mặt, phẫu thuật vùng mặt, đa chấn thương, dò thực quản – khí quản, giải nén dạ dày.

– Nuôi dưỡng trong các trường hợp dinh dưỡng kém do: rối loạn thần kinh sau tai biến mạch máu não, hôn mê kéo dài, u não, người bệnh cao tuổi có rối loạn tâm thần kèm suy dinh dưỡng, bệnh thần kinh và chậm phát triển tâm thần vận động, suy dinh dưỡng nặng (ở các người bệnh ung thư, suy tim, suy hô hấp), hội chứng ruột ngắn (bệnh Crohn), suy thận mạn tính, HIV/AIDS.

2. Chăm sóc bệnh nhân sau mở thông dạ dày
Chăm sóc đúng cách để tránh những biến chứng sau mở thông dạ dày, để đảm bảo nuôi dưỡng lâu dài.

2.1. Chăm sóc ống mở thông và lỗ mở thông dạ dày.

– Ống mở thông dạ dày có thể sử dụng sau ít nhất 6 giờ sau khi thủ thuật hoàn thành để theo dõi biến chứng sớm: xuất huyết tiêu hóa, rò vào ổ bụng hoặc các tạng rỗng.

– Ống mở thông dạ dày được vệ sinh và thay băng hàng ngày (chỉ đặt gạc mỏng quanh chân xông mở thông); đầu ống được đóng lại khi không sử dụng. Cần phải xoay ống mở thông 180-3600 hàng ngày khi cho ăn.

– Trong 2 tuần đầu tiên sau mở thông dạ dày qua da, vùng xung quanh chỗ mở thông dạ dày nên được vệ sinh hàng ngày với nước muối sinh lý và betadine. Kiểm tra xem có tình trạng viêm nhiễm tấy đỏ hoặc dịch tiết dạ dày xung quanh lỗ mở thông dạ dày không? Khuyến cáo bệnh nhân sử dụng quần áo lỏng để không đè ép vào lỗ mở thông dạ dày. Nếu lỗ mở thông dạ dày không đỏ, bệnh nhân có thể được tắm sau 2 tuần.

2.2. Chăm sóc trong quá trình nuôi dưỡng.

– Tư thế bệnh nhân: ngồi chếch góc 30-450 để làm dạ dày dễ dàng trống thức ăn và ngăn ngừa trào ngược. Tư thế này nên giữ khoảng 1 giờ sau khi ăn xong.

– Thức ăn dạng xay lỏng, bơm trực tiếp qua xông dạ dày hoặc truyền nhỏ giọt qua xông trong 24 giờ. Bơm trực tiếp qua xông thường khoảng 250-300 ml mỗi bữa, chia nhỏ bữa 6-8 lần trong ngày.

– Sau mỗi lần sử dụng ống mở thông dạ dày, bơm khoảng 30-50 ml nước qua ống mở thông để tráng rửa các chất cặn trên thành trong ống thông.

– Trong trường hợp ống mở thông dạ dày bị tắc, sử dụng men tụy phối hợp với dung dịch bicarbonate để làm thông ống, sau đó tráng ống với nước ấm và dung dịch carbonate.

2.3. Sự sử dụng thuốc qua ống mở thông dạ dày.

– Ưu tiên các loại thuốc dạng lỏng, các thuốc được sử dụng cùng với nước (khoảng 5-30 ml) và không sử dụng cùng với sữa công thức.

– Các thuốc ưu trương hoặc cô đặc nên được pha với nước trước khi sử dụng.

– Không được phá vỡ các thuốc có lớp vỏ ngoài và các thuốc giải phóng chậm.

– Không khuyến cáo các loại thuốc nhai, thuốc đặt dưới lưỡi,

– Nghiêm cấm sử dụng viên nang lớn (dạng Bulk, giống như Metamucil.)

– Thuốc điều chế dạng sủi cũng nên được tránh để ngăn ngừa tắc ống.

– Warfarin, phenitoin, morphine và thuốc trung hòa acid chứa nhôm không nên sử dụng cùng lúc khi ăn bởi sự đáp ứng thuốc bị chậm.

– Sự tiêu chảy thường liên quan đến thành phần sorbitol có trong nhiều loại thuốc lỏng hơn là do thuốc chính.
Hiện tại kỹ thuật nội soi can thiệp – mở thông dạ dày đã và đang được triển khai tại Trung tâm Tiêu hóa – gan mật, bệnh viện Bạch Mai. Hy vọng trong thời gian sắp tới sẽ giúp ích cho nhiều bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân hồi sức có thể đảm bảo đủ vấn đề dinh dưỡng giúp quá trình điều trị được tốt nhất.