I. TỔNG QUAN
Nội soi tiêu hóa là một thủ thuật thăm dò chức năng nhằm phát hiện các thay đổi bất thường trong lòng ống tiêu hóa. Phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng ống soi dây mềm, kích thước nhỏ. Ống soi trong nội soi dạ dày được đưa vào từ đường miệng hoặc đường mũi còn trong nội soi đại trực tràng, ống soi được đưa vào từ hậu môn. Đầu ống soi có gắn đèn để chiếu sáng giúp các bác sĩ nội soi có thể quan sát rõ các tổn thương ở niêm mạc trong ống tiêu hóa.
Có 2 phương pháp nội soi. Nội soi thường (nội soi không gây mê): là kỹ thuật nội soi mà người bệnh hoàn toàn tỉnh táo trong quá trình nôi soi. Nội soi gây mê: người bệnh sẽ được gây mê bằng đường tĩnh mạch và ngủ trong quá trình nội soi.
II. QUY TRÌNH NỘI SOI
Quy trình nội soi gồm 3 bước: chuẩn bị trước nội soi, thực hiện nội soi và sau khi nội soi
1. Chuẩn bị trước soi
Người bệnh sẽ được bác sĩ tư vấn phương pháp nội soi phù hợp và chỉ định các xét nghiệm cần thiết trước nội soi.
Thông báo với bác sĩ các tình trạng hiện có: đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận, bệnh về tim, gan, phổi,…, các thuốc đang dùng, đặc biệt với phụ nữ lưu ý tình trạng thai và cho con bú, chu kỳ kinh nguyệt.
Nhằm đảm bảo quan sát tốt niêm mạc đường tiêu hóa, với nội soi dạ dày, người bệnh cần nhịn ăn trong 6 giờ, nhịn uống 2 giờ trước khi soi và uống thuốc tan bọt dạ dày, hoặc uống thuốc nhuận tràng làm sạch ruột với nội soi đại trực tràng.
2. Thực hiện nội soi
Bác sĩ tiến hành nội soi, quan sát niêm mạc đường tiêu hóa. Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết để làm mô bệnh học nếu có tổn thương nghi ngờ, hoặc làm các thủ thuật can thiệp như cắt polyp, gắp dị vật, can thiệp cầm máu,…
3. Sau khi nội soi
Người bệnh sẽ nhận kết quả nội soi sau khi soi từ 30 đến 60 phút và quay lại phòng khám ban đầu để được bác sĩ chuyên khoa giải thích chi tiết về kết quả và phác đồ điều trị thích hợp.