I. ĐỊNH NGHĨA
Là một thủ thuật dùng kim chọc vào ổ áp xe gan dưới hướng dẫn của siêu âm nhằm chẩn đoán và điều trị.
II. CHỈ ĐỊNH
– Ổ áp xe gan chọc lần đầu để chẩn đoán xác định, tìm nguyên nhân gây bệnh và điều trị. Với các trường hợp ổ áp xe gan lớn, có thể phải chọc hút nhiều lần
– Ổ áp xe dọa vỡ.
– Cặn ổ áp xe cần hút để điều trị.
– Trong trường hợp cần chẩn đoán phân biệt với u gan.
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
– Rối loạn đông máu: PT INR < 1,5. Tiểu cầu < 50 G/l.
– Cổ trướng nhiều.
– Người bệnh tình trạng nặng hoặc khó hợp tác khi làm thủ thuật
– Đường vào không an toàn trên siêu âm.
– Người bệnh không đồng ý can thiệp.
IV. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
– Người bệnh được nằm trên cáng theo qui trình siêu âm bụng.
– Bác sĩ làm siêu âm kiểm tra vị trí áp xe gan và xác định đường vào, cùng bác sĩ chọc hút xác định hướng đi của kim.
– Gây tê vị trí da chọc hút ổ áp xe
– Dùng kim chọc qua da và vào thẳng vị trí ổ áp xe gan, khi đầu kim vào tới ổ áp xe gan, dùng bơm tiêm hút dịch trong ổ áp xe, hút ra càng nhiều càng tốt. Sau đó rút kim ra khỏi cơ thể bệnh nhân
– Băng dính gạc chỗ chọc, sau đó chuyển người bệnh về phòng theo dõi.
V. THEO DÕI
Người bệnh được theo dõi: toàn trạng, mạch, huyết áp trong 6 giờ, nằm tại giường, hạn chế cử động mạnh.
VI. TAI BIẾN
Nhìn chung đây là thủ thuật khá an toàn cho người bệnh, tuy nhiên cũng lưu ý một số tai biến có thể xảy ra như sau:
– Chảy máu: cần theo dõi sát, nếu chảy ít không cần can thiệp mà người bệnh cần nằm theo dõi thêm, chảy nhiều nên can thiệp ngoại khoa, truyền máu.
– Thủng tạng rỗng: phẫu thuật để điều trị
– Đau chỗ chọc