Tại sao phải sàng lọc ung thư đại trực tràng (UTĐTT)
UTĐTT là một ung thư thường gặp, đứng hàng thứ 3 trên thế giới và thứ 5 tại Việt Nam. Trong giai đoạn sớm, người bệnh thường không có biểu hiện bất thường. Khi có triệu chứng lâm sàng như đau bụng, đại tiện phân máu, thay đổi thói quen đại tiện hoặc sút cân thì thường bệnh đã ở giai đoạn tiến triển hoặc giai đoạn muộn. Vì vậy, cần có kế hoạch phát hiện bệnh sớm trước khi có biểu hiện lâm sàng.
UTDTT đa phần xuất phát từ các polyp tuyến. Các polyp này hầu như không có triệu chứng, trừ khi kích thước lớn. Theo thời gian, các polyp này sẽ tăng dần kích thước và mức độ ác tính. Vì thế, polyp đại tràng còn được coi là tổn thương tiền ung thư. Nếu như phát hiện được các polyp tuyến này và cắt bỏ thì người bệnh sẽ không còn nguy cơ tiến triển UTĐTT.
Các phương pháp sàng lọc ung thư đại trực tràng
Hiện nay, có 2 phương pháp giúp sàng lọc phát hiện UTDTT. Phương pháp thứ nhất là xét nghiệm tìm hồng cầu kín đáo ở trong phân định kỳ hàng năm, dựa trên cơ sở là các tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư đại trực tràng có thể gây chảy máu ở mức độ rất ít mà mắt thường không nhìn thấy được. Nếu xét nghiệm thấy có máu kín đáo trong phân, bước tiếp theo người bệnh sẽ phải nội soi đại tràng toàn bộ. Ưu điểm của phương pháp này là kĩ thuật đơn giản, rẻ tiền, dễ áp dụng cho số đông người. Tuy nhiên, nhược điểm là không xác định được nguyên nhân trực tiếp gây chảy máu kín đáo và có một tỷ lệ kết quả không chính xác.
Phương pháp sàng lọc thứ hai là nội soi đại trực tràng toàn bộ. Phương pháp này cho phép quan sát trực tiếp bề mặt niêm mạc đại tràng nên có thể phát hiện các tổn thương nhỏ, rất sớm. Với các thế hệ máy nội soi mới, độ phóng đại cao kết hợp các chế độ thay đổi hình ảnh giúp mô tả đặc điểm tổn thương và phân loại nguy cơ ung thư tương đối chính xác. Đối với các tổn thương tiền ung thư, ung thư giai đoạn sớm, qua nội soi đại tràng có thể cắt bỏ các tổn thương polyp phù hợp, giúp loại bỏ nguy cơ ung thư đại trực tràng triệt để mà người bệnh lại tránh được một cuộc phẫu thuật.
Thời điểm nào bắt đầu sàng lọc ung thư đại trực tràng.
Đối với người bình thường, không có triệu chứng bất thường, không có tiền sử gia đình ung thư đại trực tràng hoặc đa polyp có tính chất gia đình thì bắt đầu sàng lọc tầm soát bệnh từ năm 50 tuổi. Một số nghiên cứu gần đây ủng hộ việc nên tầm soát bệnh từ tuổi 45.
Nên lựa chọn phương pháp tầm soát nào.
Có thể áp dụng thang điểm đánh giá nguy cơ dành cho các đối tượng không có triệu chứng lâm sàng, dựa trên 4 yếu tố:
Thang điểm nguy cơ ung thư đại trực tràng Asia Pacific | ||
Yếu tố | Tiêu chuẩn | Điểm |
Tuổi | 50 – 69 tuổi | 2 |
> 70 tuổi | 3 | |
Giới tính | Nam | 1 |
Nữ | 0 | |
Tiền sử gia đình | anh chị em ruột, con của người bị K đại tràng | 2 |
Hút thuốc lá | Đang hoặc đã từng hút | 1 |
Không hút | 0 | |
Đánh giá: nguy cơ thấp: 0 – 1; nguy cơ trung bình: 2 – 3; nguy cơ cao: 4 - 7 |
Nếu nguy cơ thấp, có thể áp dụng phương pháp xét nghiệm tìm hồng cầu ẩn trong phân. Nếu nguy cơ trung bình vào cao, nến áp dụng phương pháp nội soi đại tràng toàn bộ.
Các đối tượng đặc biệt
- Nếu họ hàng bậc 1 (bố mẹ đẻ, anh chị em ruột) mắc UTDTT hoặc polyp u tuyến tiến triển được chẩn đoán ở độ tuổi < 60, cần soi đại tràng tầm soát bắt đầu ở tuổi thấp hơn 10 tuổi so với tuổi phát hiện bệnh của người họ hàng đó.
- Nếu họ hàng bậc 1 mắc UTDTT hoặc polyp u tuyến tiến triển được chẩn đoán ở tuổi > 60, cần soi đại tràng tầm soát khi 40 tuổi.
- Nếu có tiền sử gia đình bệnh lý đa polyp tuyến gia đình, hội chứng Lynch (ung thư đại trực tràng không đa polyp di truyền), nên bắt đầu soi ở tuổi 20 – 25.
- Nếu có tiền sử gia đình hội chứng Peutz Jeghers, hội chứng đa polyp thanh thiếu niên bên bắt đầu soi đại tràng sau 15 tuổi.
Hướng xử trí theo kết quả nội soi sàng lọc lần đầu.
- Nếu kết quả nội soi lần đầu không phát hiện polyp, người bệnh sẽ cần nội soi lại sau một khoảng thời gian, quy định khác nhau tuỳ từng nước. Cụ thể, ở Mỹ, Úc, Hồng Kông là sau 10 năm, Hàn Quốc là sau 5 năm, Nhật Bản là sau 3 năm. Chúng tôi nghĩ rằng áp dụng khoảng thời gian 5 năm cho lần nội soi kế tiếp nếu lần trước nội soi âm tính như Hàn Quốc là phù hợp ở Việt Nam.
- Nếu kết quả nội soi phát hiện polyp đại tràng, người bệnh nên được cắt polyp. Thời điểm cắt polyp tuỳ thuộc vào đặc điểm, kích thước và nguy cơ ung thư của polyp. Sau khi cắt polyp, người bệnh sẽ được hẹn nội soi đại tràng lại, trong vòng 1 – 5 năm, tuỳ thuộc số lượng và tính chất polyp.
- Nếu có ≥ 5 polyp u tuyến, nên soi lại đại tràng sau 1 năm.
- Nếu có ≥ 3 polyp u tuyến, hoặc có tối thiểu 1 polyp > 1cm, hoặc polyp tuyến nhú hoặc ống nhú, hoặc polyp u tuyến có loạn sản độ cao hoặc có polyp răng cưa thì nên soi lại sau 3 năm.
- Nếu có hội chứng đa polyp răng cưa, hội chứng đa polyp tuyến gia đình, hội chứng Lynch, hội chứng Peutz Jegher, hội chứng đa polyp thanh thiếu niên thì nên nôi soi lại mỗi 1 – 3 năm.
- Các trường hợp khác thì soi lại sau 5 năm.
- Tuy nhiên, thời gian soi lại có thể ngắn hơn nếu chất lượng của lần nội soi trước kém, hoặc cắt polyp không hoàn toàn, hoặc có tiền sử gia đình hoặc tiền sử bệnh K đại tràng.
Hướng dẫn sàng lọc ở bệnh nhân đã phẫu thuật cắt u đại tràng
- Nếu bệnh nhân phải mổ cấp cứu vì K đại tràng mà chưa soi hết được đại tràng toàn bộ, cần nội soi đánh giá lại phần đại tràng chưa cắt sau phẫu thuật 3 – 6 tháng.
- Nếu BN đã soi tầm soát đại tràng trước mổ và đã phẫu thuật cắt bỏ K đại tràng, cần nội soi lại đại tràng sau 1 năm.
- Nếu kết quả bình thường sẽ soi lại lần tiếp theo sau 3 năm (năm thứ 4 sau phẫu thuật). Nếu kết quả vẫn bình thường -> sẽ soi lại sau mội 5 năm.
- Nếu phát hiện u tuyến, nên soi lại định kỳ hàng năm.