- Sàng lọc ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là một trong những bệnh lý ung thư gây tử vong hàng đầu trên thế giới, cũng như ở Việt Nam. Nguyên nhân là do ung thư dạ dày thường phát hiện ở giai đoạn muộn, khi ung thư đã tiến triển, xâm lấn di căn hạch hoặc di căn xa. Ung thư dạ dày ở giai đoạn này chủ yếu điều trị là phẫu thuật và điều trị hoá chất, nên tiên lượng sống không cao (sống sau 5 năm dưới 10%), chất lượng cuộc sống thấp, chi phí điều trị tốn kém.
Tuy nhiên, khi ung thư dạ dày được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm, thì khả năng điều trị gần như khỏi hoàn toàn (sống sau 5 năm > 97%), với chất lượng cuộc sống gần như bình thường, chi phí điều trị cũng thấp hơn hẳn (điều trị bằng cắt u qua nội soi), không phải phẫu thuật hoặc hoá xạ trị.
Tuy nhiên, ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm thường không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng rõ rệt, nên thăm khám thông thường là rất khó phát hiện, mà cần phải tiến hành một quy trình sàng lọc mới có thể phát hiện được các tổn thương ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm,hoặc tiền ung thư dạ dày.
Sàng lọc ung thư dạ dày
Sàng lọc ung thư dạ dày là quy trình áp dụng các xét nghiệm, thăm dò, nội soi, sinh thiết để phát hiện các tổn thương dạ dày có nguy cơ phát triển thành ung thư hoặc phát hiện các tổn thương ung thư giai đoạn sớm trước khi tổn thương u phát triển, lan rộng hoặc di căn.
Quy trình sàng lọc ung thư dạ dày có thể thực hiện với tất cả mọi ngừời bao gồm cả những ngừơi có nguy cơ cao (ung thư dạ dày) và cả những người có hoặc không có triệu chứng rõ rệt.
- Chiến lược sàng lọc và tầm soát ung thư dạ dày trên thế giới
Ung thư dạ dày gặp phổ biến nhất ở các nước Châu Á trong đó đặc biệt vùng Đông bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Từ những 1960 cho đến nay, Nhật Bản đã xây dựng thành công chương trình sàng lọc ung thư dạ dày sớm bằng cách áp dụng phương pháp xét nghiệm pepsinogen, xét nghiệm vi khuẩn H.pylori với nội soi dạ dày sàng lọc. Kết quả , hơn 70% ung thư dạ dày được phát hiện ở giai đoạn sớm qua nội soi ở những ngừơi có nguy cơ cao. Tại Hàn Quốc, quy trình sàng lọc ung thư dạ dày được đưa vào chương trình sàng lọc ung thư quốc gia từ năm 2002 với độ tuổi quy định từ 40-75 tuổi. Tại Trung quốc, chương trình sàng lọc ung thư dạ dày bằng nội soi đã bắt đầu áp dụng ở các thành phố lớn.
Phương pháp sàng lọc và tầm soát ung thư dạ dày sớm
Tuỳ theo vùng dịch tễ lưu hành ung thư dạ dày, đối tượng và phương pháp sàng lọc ung thư dạ dày ở các quốc gia khác nhau. Đối với các nước có tỷ lệ ung thư dạ dày cao, chương trình nội soi sàng lọc áp dụng cho toàn cộng đồng. Trong khi các nước có tỷ lệ ung thư dạ dày thấp hơn, quy trình tầm soát tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao ung thư dạ dày
Người có nguy cơ ung thư dạ dày bao gồm:
- Tuổi cao: tất cả những bệnh nhân tuổi > 40 đều cần sàng lọc
- Viêm teo niêm mạc dạ dày : đặc biệt các trường hợp viêm teo mức độ nặng được phát hiện trên nội soi (không/có sinh thiết)
- Dị sản ruột, loạn sản dạ dày
- Polyp dạ dày: polyp u tuyến dạ dày(adenoma) có nguy cơ tiến triển thành loạn sản, tiền ung thư dạ dày
- Chế độ ăn mặn ( nhiều muối), thực phẩm muối ( thịt, cá, dưa muối), thịt hun khói tăng nguy cơ
- Chế độ ăn ít rau xanh, ít hoa quả, ít chất xơ tăng nguy cơ ung thư
- Béo phì (BMI >=25): (tăng nguy cơ 1,2 lần)
- Hút thuốc lá, thuốc lào : (nguy cơ tăng,53 lần)
- Nhiễm Helicobacter pylori : Vi khuẩn Helicobacter pylori được WHO xếp vào nhóm nguy cơ ung thư loại 1, tham gia vào cơ chế bệnh sinh và tiến triển ung thư dạ dày
- Sau phẫu thuật cắt dạ dày : nguy cơ ung thư tăng dần sau thời gian phẫu thuật, đặc biệt ở những bệnh nhân phẫu thuật nối Billroth II
- Tiền sử gia đình có ung thư dạ dày: Đa phần ung thư dạ dày khởi phát đơn độc. tuy nhiên có khoảng 1-3%( <10%) các trường hợp ung thư dạ dày liên quan đến các yếu tố gia đình. Các trường hợp ung thư dạ dày này thường xuất hiện rất sớm dưới 40 tuổi.
Vì vậy những người - có tiền sử bố, mẹ, anh chị em ruột có bệnh ung thư dạ dày (dạng lan toả- HDGC, hoặc type ruột FIGC), hoặc đa polyp dạ dày ( GAPPS, FAP) cần được tư vấn, sàng lọc sớm và xét nghiệm chẩn đoán (đột biến gen CDH1)
- Các yếu tố khác: Nhóm máu A…
Phương pháp sàng lọc ung thư dạ dày sớm trên thế giới
Có nhiều phương pháp để sàng lọc ung thư dạ dày, trong đó nội soi dạ dày là phương pháp chính xác nhất để phát hiện tổn thương tiền ung thư và ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm.
- Nội soi thực quản dạ dày tá tràng:
- Quan sát trực tiếp hình ảnh niêm mạc dạ dày(mức độ viêm), phát hiện các tổn thương tiền ung thư , ung thư trên nội soi
- Sinh thiết chẩn đoán mô bệnh học các tổn thương nghi ngờ ung thư
- Xét nghiệm chẩn đoán nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori ( clotest, ureatest)
- Chụp cắt lớp vi tính, chụp XQ dạ dày barium: mặc dù có thể phát hiện các tổn thương ung thư dạ dày, đặc biệt là ung thư thể thâm nhiễm. Tuy nhiên, hiện nay với tiến bộ nội soi, hiếm khi sử dụng phương pháp này để sàng lọc phát hiện ung thư dạ dày sớm
- Xét nghiệm pepsinogen máu.
- Giảm lượng pepsinogen I trong máu (<70) và tỷ lệ pepsinogen I/II giảm thấp (<3) giúp phát hiện viêm teo niêm mạc dạ dày- một yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày .
- Vì vậy, xét nghiệm pepsinogen giúp xác định người có nguy cơ cao và cần nội soi sàng lọc ung thư dạ dày.
- Xét nghiệm tìm vi khuẩn Helicobacter Pylori (xét nghiệm IgG H.pylori, UBT H.pylori…)
- Nhiễm H.pylori được xác định là một trong các yếu tố nguy cơ ung thư dạ dày, đặc biệt đối với những trường hợp viêm teo dạ dày nặng.
- Vì vậy, xác định nhiễm H.pylori phối hợp với xét nghiệm nồng độ pepsinogen sẽ giúp phát hiện chính xác ngừời có nguy cơ cần phải nội soi sàng lọc ung thư dạ dày.
- Xét nghiệm gen (miARN, CDH1) giúp sàng lọc các trường hợp ung thư dạ dày liên quan đến yếu tố gia đình (ung thư dạ dày ở người trẻ tuổi <40 tuổi).
- Quy trình sàng lọc ung thư dạ dày sớm tại khoa Tiêu hoá Bệnh viện Bạch Mai.
Lựa chọn một phương pháp để sàng lọc không quan trọng, quan trọng là bệnh nhân cần phải được khám, tư vấn, sàng lọc và theo dõi một cách hệ thống.
Quy trình sàng lọc tầm soát ung thư dạ dày sớm bao gồm nhiều bước từ đơn giản đến phức tạp.
Bước 1. Người khám cần đến bác sỹ chuyên khoa Tiêu hóa để được khám, tư vấn xác định mức độ nguy cơ.
Bước 2. Người bệnh được nội soi dạ dày (nội soi dạ dày chuẩn, hoặc nội soi dạ dày độ phân giải cao, giải tần hẹp NBI, FICE,LCI) để đánh giá mức độ viêm teo (nặng, nhẹ ), phát hiện tổn thương nguy cơ ( dị sản ruột, polyp dạ dày ) cũng như các tổn thương tiền u ( loạn sản, hoặc u sớm)
Bước 3. Bệnh nhân cũng sẽ được sinh thiết dạ dày đánh giá mức độ teo niêm mạc trên mô bệnh học (OLGA), dị sản ruột(OLGIM), và phân loại các tổn thương tiền ung thư (loạn sản nhẹ, nặng)
Bước 4. Tuỳ theo mức độ nguy cơ của từng bệnh nhân và độ nặng nhẹ của tổn thương, bệnh nhân được tư vấn theo dõi định kỳ hoặc lên kế hoạch điều trị can thiệp (cắt polyp, cắt khối u qua nội soi) .
Bước 5. Đối với tổn thương nghi ngờ ung thư, bệnh nhân sẽ được tiến hành phương pháp nội soi dạ dày phóng đại, nhuộm màu đánh giá kích thước, mức độ lan rộng của khối u. Đặc biệt, khi nghi ngờ các tổn thương ung thư lan sâu, bệnh nhân sẽ được thăm khám bằng siêu âm nội soi (đầu dò thẳng) hoặc siêu âm nội soi tần số cao (20Mhz), đầu dò nhỏ (catheter) để đánh giá mức độ xâm nhập của khối u(giai đoạn T).
Như vậy, bằng quy trình sàng lọc chi tiết, hệ thống, người khám sẽ được thăm khám, đánh giá một cách toàn diện từ yếu tố nguy cơ, đến phát hiện, đánh gía các tổn thương trong dạ dày. Từ đó, bác sỹ lâm sàng có thể tư vấn, theo dõi,hoặc lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp đối với bệnh nhân.
![](http://tieuhoabachmai.vn/wp-content/uploads/2020/08/Ảnh-chụp-Màn-hình-2020-08-02-lúc-17.04.54.png)
- Tiền sử gia đình ung thư dạ dày + dị sản ruột tại một vị trí (OLGIM I)
- Dị sản ruột không hòan toàn
- Nhiễm H.Pylori kéo dài
- Viêm teo nặng hoặc dị sản ruột 2 vị trí (OLGIM III,IV)
- Viêm teo nặng + tiền sử gia đình ung thư dạ dày
- Sau chẩn đoán điều trị loạn sản độ cao
- Sau chẩn đoán điều trị loạn sản độ thấp