Hệ tiêu hóa bao gồm ống tiêu hóa và các tuyến tiêu hóa. Ống tiêu hóa của chúng ta gồm 3 đoạn chính: thực quản-dạ dày, ruột non, đại tràng (Hình 1). Người bệnh thường quen thuộc với thuật ngữ nội soi dạ dày và nội soi đại tràng khi muốn kiểm tra đường ruột. Vậy ruột non liệu có nội soi được không?
1. Thế nào là nội soi ruột non?
Trước đây, việc thăm dò ruột non là rất khó vì chưa có hệ thống nội soi ruột non. Người bệnh muốn soi ruột non thường phải làm trong khi phẫu thuật hoặc dùng dây nội soi dạ dày, đại tràng cố đẩy xuống sâu để quan sát được 1 đoạn ngắn đầu tiên của ruột non.
Từ năm 2000, nhờ sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật nói chung và y học nói riêng, phần ống tiêu hóa khó thăm dò nhất đã được khám phá bằng các hệ thống nội soi ruột non. Hiện tại có nhiều phương pháp để quan sát được bề mặt niêm mạc ruột non, bao gồm: nội soi viên nang và nội soi bằng dây có trợ giúp của dụng cụ (gồm nội soi ruột non bóng kép nội soi ruột non bóng đơn, nội soi xoắn ốc…). Trong đó nội soi ruột non bằng dây có nhiều ưu điểm vượt trội hơn nội soi viên nang. Thứ nhất là có thể quan sát kĩ tổn thương bằng cách dừng lại đủ thời gian để bơm rửa sạch, nhuộm và quan sát kĩ nếu có tổn thương, trong khi đó viên nang thường trôi nhanh theo nhu động ruột nên nhiều khi không quan sát kĩ, chính xác tổn thương được. Ưu điểm thứ 2 (mà nội soi viên nang không có) là dây nội soi có kênh thủ thuật giúp đưa dụng cụ can thiệp vào để tiến hành các thủ thuật như sinh thiết chẩn đoán mô bệnh học, siêu âm để đánh giá mức độ xâm lấn tổn thương u, can thiệp cầm máu cho các tổn thương chảy máu, cắt polyp ruột non, tiêm đánh dấu vị trí khối u giúp định vị khi phẫu thuật, nong tổn thương hẹp lành tính ruột non …
Trung tâm Tiêu hóa – Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai là một trong số ít những đơn vị y tế tại miền Bắc đã triển khai kĩ thuật nội soi ruột non bóng kép từ năm 2014. Hiện tại, nội soi ruột non là thăm dò nhằm chẩn đoán và điều trị các bệnh lý trong lòng ruột non.
2. Chỉ định nội soi ruột non bóng kép
– Nghi ngờ chảy máu từ ruột non (bằng chứng chảy máu tái phát nhiều lần không phát hiện được nguyên nhân trên nội soi dạ dày và đại tràng)
– Nghi ngờ hoặc có bằng chứng tổn thương ruột non cần làm chẩn đoán xác định (viêm ruột, lao ruột, bệnh Crohn,…), bệnh lý rối loạn hấp thu,…
– Đánh dấu vị trí tổn thương nhỏ, khó quan sát được giúp cho phẫu thuật cắt bỏ thuận lợi.
3. Chống chỉ định nội soi ruột non bóng kép
– Người bệnh có các tình trạng cấp tính: hội chứng vành cấp, suy tim nặng, suy hô hấp cấp tính, nghi ngờ bụng ngoại khoa, phình, tách động mạch chủ.
– Người bệnh có các bệnh mạn tính chưa được kiểm soát ổn định: tăng huyết áp, bệnh phổi mạn tính, hen.
4. Các bước thực hiện thủ thuật nội soi ruột non bóng kép
– Nội soi ruột non thường phải tiến hành qua 2 đường: dây soi qua miệng, dạ dày và vào hỗng tràng. Trước khi dừng nội soi, bác sỹ sẽ đánh dấu vị trí cuối cùng của đoạn ruột non đã thăm dò được. Nếu người bệnh cần thăm dò tiếp phần ruột non còn lại, dây soi sẽ đưa qua hậu môn, đại tràng để vào thăm dò hồi tràng (đường hậu môn) (Hình 2). Nếu thấy vị trí đánh dấu, nghĩa là bệnh nhân đã thăm dò hết được toàn bộ ruột non. Tỷ lệ thăm dò hết toàn bộ ruột non tại Trung tâm Tiêu hóa – Gan mật là khoảng 76%.
– Chuẩn bị bệnh nhân:
+ Nội soi bóng kép qua đường miệng: người bệnh cần nhịn ăn tối thiểu 6 tiếng và nhịn uống nước không màu tối thiểu 2 tiếng trước khi làm thủ thuật.
+ Nội soi bóng kép qua đường hậu môn: người bệnh cần được thụt tháo phân hoặc uống thuốc làm sạch ruột non như chuẩn bị cho nội soi đại tràng.
+ Người bệnh cần được bác sỹ khám mê, đánh giá là đủ điều kiện gây mê trước khi được đưa vào phòng nội soi.
+ Tại phòng soi, người bệnh được mắc máy theo dõi các chỉ số sinh tồn trong suốt quá trình nội soi và sau soi cho tới khi hồi tỉnh.
+ Bác sỹ thực hiện nội soi sẽ lựa chọn soi 1 đường hoặc 2 đường, tùy theo tình trạng toàn thân của người bệnh, tình trạng bệnh lý cũng như kết quả nội soi đường đầu tiên đã đạt được các mục tiêu chẩn đoán cũng như điều trị cho người bệnh hay chưa.
5. Những tai biến có thể xảy ra và cách xử trí
– Tăng tiết đờm rãi: thường liên quan đến nội soi đường miệng do dây soi và ống trượt kích thích niêm mạc hầu họng. Thường được xử trí bằng cách hút đờm rãi và không ảnh hưởng đến quá trình nội soi.
– Nhịp tim chậm do cường phế vị: do hậu quả của căng giãn ruột non trong quá trình nội soi. Biến cố này sẽ được theo dõi bằng các hệ thống theo dõi nhịp tim liên tục trong quá trình soi. Nếu xuất hiện, bác sỹ soi sẽ kiểm soát và xử trí tránh căng giãn ruột non quá mức, sẽ hồi phục lại nhịp tim bình thường cho người bệnh.
– Chảy máu ruột non: có thể xảy ra tự nhiên hoặc sau khi sinh thiết, làm các can thiệp thủ thuật. Biến cố này cần can thiệp cầm máu qua nội soi, dùng thuốc, can thiệp mạch hoặc phẫu thuật nếu các phương pháp xử trí trên không có hiệu quả.
– Thủng ruột: một số tổn thương dính, hẹp khi nội soi ruột non, đặc biệt khi can thiệp có thể gây rách thủng. Nếu phát hiện kịp thời và vết rách nhỏ, bác sỹ có thể đóng chỗ thủng ngay trong lúc nội soi bằng các dụng cụ chuyên biệt. Nếu không thành công, sẽ cần can thiệp ngoại khoa để đóng chỗ thủng.
– Các biến chứng khác ít gặp: viêm tụy cấp, cầu bàng quang, tăng huyết áp hoặc dị ứng thuốc …
6. Tóm lại:
Nội soi ruột non bóng kép là một thủ thuật kĩ thuật cao giúp thăm dò được toàn bộ bề mặt niêm mạc ruột non. Kĩ thuật này được thực hiện thường quy ở Trung Tâm Tiêu hóa – Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai. Với kinh nghiệm hơn 300 ca nội soi ruột non bóng kép từ khi đưa vào thực hành, việc chẩn đoán các bệnh lý ruột non đã trở nên thuận lợi hơn, nhiều người bệnh được can thiệp điều trị qua nội soi thành công đã tránh được những cuộc phẫu thuật mở, giúp người bệnh hạn chế những can thiệp xâm lấn lớn, rút ngắn thời gian nhập viện, tiết kiệm chi phí y tế…


Nguồn tham khảo:
1. K. Sugano, H. Yamamoto & H. Kita, “Double-Balloon Endoscopy, Theory and practice”, Springer publisher, 2006
2. Richard Kozarek, Jonathan A. Leighton, “Endoscopy in Small Bowel Disorders”, Springer International Publisher, 2015
3. Nguyễn Hoài Nam, “Luận án Tiến sĩ Y học”, 2021
4. https://www.dougsamuel.com.au/dbe/
5. https://www.hopkinsmedicine.org/health/treatment-tests-and-therapies/enteroscopy