Siêu âm nội soi (endoscopic ultrasound – EUS) là sự kết hợp hai kỹ thuật – nội soi và siêu âm – để giúp bác sĩ quan sát, đánh giá và chẩn đoán các bệnh lý trong và gần đường tiêu hóa.
Siêu âm nội soi là gì?
Siêu âm nội soi là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu sử dụng thiết bị camera (nội soi) cùng với sóng âm thanh tần số cao (siêu âm) để chẩn đoán và can thiệp những tổn thương về đường tiêu hóa, mật, tụy, các tổn thương niêm mạc và ngoài niêm mạc ống tiêu hóa.
Ống nội soi thông thường là một ống nhỏ, có nguồn sáng ở một đầu, có thể đưa vào qua miệng hoặc hậu môn để quan sát bên trong thực quản, dạ dày hoặc ruột. Siêu âm nội soi sử dụng một ống nội soi đặc biệt có gắn đầu dò siêu âm, việc bổ sung này cho phép bác sĩ quan sát ống tiêu hóa và cả các cơ quan xung quanh.
Siêu âm nội soi hoạt động như thế nào?
Siêu âm nội soi hoạt động tương tự như siêu âm bụng, ngoại trừ nguồn sóng âm là bên trong cơ thể. Khi sóng âm thanh tần số cao truyền từ máy siêu âm, chúng chạm vào các mô có mật độ khác nhau và phản xạ trở lại. Ví dụ, siêu âm nội soi có thể thu được hình ảnh của khối u đặc hoặc u nang, sau đó máy tính sẽ xử lý và hiển thị dưới dạng các vùng sáng hơn và tối hơn trên màn hình.
Trong siêu âm nội soi, vì sóng âm không cần phải đi qua da và cơ để đến các cơ quan nội tạng nên siêu âm nội soi mang lại cái nhìn rõ hơn về ống tiêu hóa và các cơ quan lân cận so với siêu âm bụng. Ngoài ra, siêu âm nội soi cũng có thể chính xác hơn trong việc xác định các khối u và u nang nhỏ mà các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như MRI (chụp cộng hưởng từ) và CT (chụp cắt lớp vi tính) có thể bỏ lỡ.
Trong siêu âm nội soi, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa có thể lấy mẫu mô (sinh thiết) của một tổn thương nghi ngờ bằng cách sử dụng một cây kim nhỏ đưa qua ống nội soi siêu âm. Thủ thuật này, được gọi là chọc hút bằng kim nhỏ, được sử dụng để thu thập các tế bào và mô từ tuyến tụy, gan và các cơ quan, tổn thương khác gần ống tiêu hoá; giúp xác định tính chất của tổn thương là lành tính hay ác tính.
Siêu âm nội soi được sử dụng để làm gì?
Siêu âm nội soi giúp chẩn đoán các tổn thương ở đường tiêu hóa trên (thực quản, dạ dày và tá tràng), đường tiêu hóa dưới (đại tràng và trực tràng) và các cơ quan lân cận bao gồm phổi, tuyến tụy, gan và túi mật.
Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa có thể đề nghị thực hiện siêu âm nội soi nhằm mục đích:
• Xác định vị trí khối u hoặc nang tụy
• Giúp chẩn đoán viêm tụy mãn tính
• Đánh giá các vùng ung thư ở thực quản, dạ dày, đại tràng hoặc trực tràng và giúp xác định giai đoạn ung thư (xác định mức độ tiến triển hoặc ác tính); siêu âm nội soi giúp phát hiện xem khối u đã xâm lấn đến các hạch bạch huyết hoặc mạch máu lớn hay chưa. Đặc biệt, kỹ thuật này có ý nghĩa rất lớn trong việc chẩn đoán ung thư ở giai đoạn sớm hay phát hiện những khối u nằm sâu trong ổ bụng với mức độ xâm lấn tối thiểu.
• Phát hiện sỏi đường mật.
• Dẫn lưu nang giả tụy vào dạ dày hoặc các ổ tụ dịch bất thường khác trong bụng
• Đặt stent đường mật.
Chuẩn bị cho siêu âm nội soi
Bác sĩ chuyên khoa sẽ cung cấp hướng dẫn cụ thể về cách chuẩn bị cho siêu âm nội soi (các bước sẽ khác nhau tùy thuộc vào siêu âm nội soi đường tiêu hoá trên hay dưới, có thể bao gồm nhịn ăn, chế độ ăn lỏng, làm sạch đại tràng hoặc kết hợp các bước với nhau). Mục đích là đảm bảo đường tiêu hóa không có thức ăn và chất thải để bác sĩ có thể quan sát rõ khi thực hiện kỹ thuật.
Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ về tiền sử bệnh lí nền, tiền sử dị ứng cũng như tất cả các thuốc đang điều trị.
Cần có người thân đi cùng do bệnh nhân có thể buồn ngủ sau gây mê.
Các bước cơ bản khi thực hiện siêu âm nội soi.
• Bệnh nhân được mời vào phòng thủ thuật, nằm trên bàn soi dạ dày với tư thế nằm nghiêng trái; sau đó sẽ được bác sĩ gây mê tiến hành gây mê toàn thân.
• Bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá sẽ đưa ống siêu âm nội soi qua miệng bệnh nhân để siêu âm nội soi đường tiêu hóa trên hoặc qua hậu môn để siêu âm nội soi đường tiêu hóa dưới.
• Bác sĩ quan sát hình ảnh trên màn hình gần đó và điều chỉnh hướng của đầu dò siêu âm để có được hình ảnh rõ nét.
• Bác sĩ có thể thực hiện các thủ thuật can thiệp cần thiết theo chỉ định trong khi làm siêu âm nội soi. Nếu xác định được vùng nghi ngờ,
bác sĩ có thể lấy một mẫu nhỏ tế bào hoặc mô bằng kỹ thuật chọc hút bằng kim nhỏ; nếu phát hiện nang giả tuỵ hoặc ổ tụ dịch bất thường có thể dẫn lưu nang vào dạ dày hoặc dẫn lưu ổ tụ dịch vào ống tiêu hoá…
Quá trình siêu âm nội soi kéo dài bao lâu?
Siêu âm nội soi chẩn đoán thường kéo dài khoảng 30 phút. Với siêu âm nội soi can thiệp, quy trình có thể mất nhiều thời gian hơn. Bệnh nhân có thể được yêu cầu đến cơ sở y tế khoảng một giờ trước khi làm thủ thuật để chuẩn bị, điều này có thể kéo dài tổng thời gian của thủ thuật.
Tai biến và xử trí
Biến chứng gây mê: cần có bác sĩ bên cạnh để đề phòng và xử trí các tai biến xảy ra.
Thủng tạng rỗng hoặc chảy máu trong ổ bụng: hội chẩn phẫu thuật viên để điều trị ngoại.
Tóm lại: siêu âm nội soi là một kĩ thuật an toàn, tiết kiệm chi phí và rất hiệu quả trong việc chẩn đoán và điều trị các tổn thương trong và xung quanh ống tiêu hoá, đặc biệt trong chẩn đoán ung thư sớm ở thực quản và dạ dày, giúp nâng cao hiệu quả điều trị bệnh chính xác và kịp thời hơn.